Thứ bảy, 27/04/2024
Trang thông tin điện tử UBND Phường Vân Giang

Lịch sử hình thành

Ngày Theo tiến trình lịch sử, tên gọi Vân Giang lúc mới được hình thành và phường Vân Giang hiện nay có sự thay đổi về vị trí, đơn vị hành chính, Trước năm 1945, thị xã Ninh Bình có phố Vân Giang nằm bên bờ Đông sông Vân, trải dài từ cầu Xi Măng (nay là cầu Vân Giang) đến nhà Văn hóa trung tâm Tỉnh. Dân cư có khoảng 30 hộ sinh sống. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân dân thị xã hồi cư hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục lại thị xã. Cùng trong thời gian này, khu phố Vân Giang được hình thành cùng với một số khu phố, như phố Phạm Hồng Thái, Trần Kiên, Trần Phú …

Năm 1972, chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ chấm dứt, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhân dân thị xã hồi cư về xây dựng quê hương. Lần hồi cư này, nhân dân thị xã chủ yếu tập trung sinh sống tại khu tái định cư bên bờ tây sông Vân. Đây là vùng đất của xã Ninh Thành (cũ) và phố Nứa (còn gọi phố Gia Âm, nằm sát bờ sông thuộc khu vực chợ Rồng ngày nay) trải dài từ cầu Xi Măng qua chợ Rồng đến gần hồ Biển Bạch. Nhân dân ở phố Vân Giang trước đây cũng chuyển về sinh sống tại khu vực tái định cư, phố Vân Giang cũ được bàn giao cho Nhà máy cơ khí 1 – 5 và Nhà máy Nhiệt điện Ninh bình quản lý. Ngày 1/8/1976, Thị ủy ra quyết định thành lập 4 tiểu khu dân cư gồm các khu I, II, III, IV, trong đó Tiểu khu I gồm các phố 1, 2, 3 (thuộc khu tái định cư). Năm 1981, khi thị xã thành lập 4 phường và 1 xã thì phường Vân Giang nằm trên vùng đất bao gồm xóm Trực Độ, xóm Đông Nhì, cánh đồng Nuôi, bãi pháo phòng không, phố Nứa của thị xã cũ, phố Bắc Giang gồm xóm khu nhà máy xay, nhà máy nước, trường cấp II thị xã, các hợp tác xã Tiền Tiến, Đoàn Kết. Tháng 11/1996, Chính phủ ra Nghị định số 69/NĐ-CP thành lập 8 phường thuộc thị xã Ninh Bình, phố Bắc Giang được chuyển sang phường Đông Thành.

Lấy tên là phường Vân Giang để chỉ vùng đất bên cạnh dòng sông Vân. Sông Vân còn được gọi là sông Vân Sàng (sông Giường – Mây) là nơi Thái hậu Dương Văn Nga đón  vua Lê Đại Hành ở Bến Ngự sau khi vua bình Chiêm  trở về (có sách ghi là vua Lê thắng Tống trở về). Đây không chỉ là dòng sông gắn với biểu tượng sông núi của Ninh Bình (núi Thúy, sông Vân) mà dòng sông còn gắn liền với những hoạt động của người dân thị xã. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sông Vân là con đường thủy duy nhất để nhân dân vận chuyển đồ đạc tản cư đi kháng chiến...

Ngày 9/4/1981, Hội đồng bộ trưởng ra Quyết định số 151/QDĐ-HĐBT quyết định tách thị trấn Ninh BÌnh khỏi huyện Hoa Lư và tái lập lại thị xã Ninh Bình gồm 4 phường: Vân Giang, Quang Trung, Lương Văn Tụy, Đinh Tiên Hoàng và xã Ninh Thành. Cùng với việc thành lập phường, tổ chức Đảng được củng cố. Nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, ngày 10/7/1981, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra Quyết định số 680-QĐ/Tu chuyển chi bộ Vân Giang thành Đảng bộ Vân Giang thuộc Thị ủy Ninh Bình. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy lâm thời, đồng chí Trần Xuân Hoan làm Phó Bí thư Đảng ủy. Sau đó Ủy ban nhân dân thị xã ra Quyết định chỉ định các chức danh chủ tịch , phó chủ tịch, ủy viên thư ký của Ủy ban nhân dân lâm thời, trong đó đồng chí Ngô Đức Thu làm Chủ tịch ủy ban nhân dân phường.

Khi thành lập, Đảng bộ phường Vân Giang có 31 đảng viên sinh hoạt ở 10 ch bộ boa gồm chi bộ phố 1, 2, 3, 4, chi bộ trường cấp 1, 2 Lê Hồng Phong, chi bộ trường cấp 1, 2 Lê Hồng Phong, chi bộ Văn phòng cơ quan phường, 4 chi bộ hợp tác xã thủ công gồm chi bộ hợp tác xã Tiền Tiến, chi bộ hợp tác xã cao su Vân Giang và chi bộ công an phường.

Cùng với cả nước, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, phường Vân Giang đã trở thành hậu phương vững chắc cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường. Hàng ngàn người con anh dũng của quê hương đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong đó, 98 người là liệt sỹ; Hiện nay trên địa bàn phường còn 1 đồng chí là lão thành cách mạnh, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa và 10 người bị bắt tù đày đang hưởng trợ cấp; 61 người là thương binh từ 21 đến 60% trở lên; 14 người là thương binh từ 61 đến 80%; 6 người là thương binh 81%; 33 bệnh binh từ 41 đến 80%; 53 người nhiễm trực tiếp và gián tiếp chất độc da cam.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, HĐND, UBND các cấp, cán bộ và nhân dân phường Vân Giang luôn phát huy nội lực, từng bước khắc phục khó khăn. Nền kinh tế phường phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10% năm trở lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định.  Đời sống vật chất tinh thần của cán bộ và nhân dân trong phường ngày càng nâng cao rõ rệt. Số hộ khá, giàu chiếm trên 70%, còn lại là hộ khá và trung bình. Phường không còn hộ nghèo và cận nghèo.